Tia UV là gì? Chỉ số tia UV bao nhiêu là có hại?
Việt Nam là một nước nhiệt đới, lượng ánh sáng mặt trời nhiều và có cường độ mạnh, cường độ ánh sáng mặt trời càng cao do đó cường độ tia UV cũng cao tương ứng. Vậy tia UV là gì, chỉ số tia UV bao nhiêu là có hại?
1. Tia UV là gì?
Tia UV (Ultraviolet) hay còn gọi là tia tử ngoại, tia cực tím là sóng điện từ có bước sóng ngắn hơn bước sóng của ánh sáng nhìn thấy nhưng dài hơn bước sóng của tia X. Phổ của tia cực tím có thể chia ra thành 2 vùng tia: vùng tử ngoại gần (có bước sóng từ 380 - 200 nm) và vùng tử ngoại xạ hay còn gọi là vùng tử ngoại chân không (có bước sóng từ 200 - 10 nm).
Khi quan tâm đến ảnh hưởng của tia UV đến sức khỏe con người và môi trường, tia tử ngoại được chia ra làm 3 loại: tia UVA (bước sóng từ 380 - 315 nm) còn được gọi là sóng dài hay ánh sáng đen, tia UVB (bước sóng 315 - 280 nm) còn được gọi là sóng trung, tia UVC (bước sóng ngắn hơn 280 nm) còn gọi là sóng ngắn hay sóng có tính tiệt trùng.
2. Tia UV có ở đâu?
Cụm từ cực tím trong tia cực tím có nghĩa là bên trên của màu tím. Sắc tím là màu sắc có bước sóng ngắn nhất mà mắt thường của chúng ta có thể nhìn thấy. Do vượt ngoài bước sóng của màu tím, nên tia UV là loại tia vô hình với mắt người. Một vài loài động vật như: chim, bò sát, côn trùng (ong...) có thể nhìn thấy tia cực tím. Một vài loại trái cây, hoa quả và hạt trở nên sặc sỡ hơn trong môi trường tia cực tím so với hình ảnh trong ánh sáng thường được nhìn bởi mắt người, để hấp dẫn các loài côn trùng và chim. Một vài loài chim còn có những hình thù đặc biệt trên bộ lông của chúng mà chỉ nhìn được dưới tia cực tím, không thể nhìn được dưới ánh sáng mà con người nhìn thấy. Nước tiểu của một số loài động vật cũng chỉ có thể quan sát được bằng tia cực tím.
Mặt Trời tỏa ra cả 3 loại tia cực tím: UVA, UVB và UVC, có ánh sáng mặt trời nghĩa là có tia cực tím. Tuy nhiên, theo lí thuyết, bởi vì sự hấp thụ của tầng ozone, 99% tia cực tím đến được mặt đất thuộc dạng tia UVA, trong khi đó bản thân tầng ozon được tạo ra nhờ các phản ứng hóa học với sự tham gia của tia UVC nên UVC bị tầng ozon hấp thụ. Tuy nhiên, tình trạng thủng tầng ozon hiện nay đang ở mức báo động khiến các tia UVB, UVC trở nên dày đặc hơn trong ánh sáng mặt trời.
Các loại thủy tinh tùy theo chất lượng, thông thường trong suốt với tia UVA (UVA đi xuyên thủy tinh) nhưng mờ đục với các tia sóng ngắn hơn (UVB, UVC không chiếu qua được thủy tinh). Silic hay thạch anh tùy theo chất lượng có thể trong suốt với cả tia UVC.
- Tia tử ngoại UVA (380 – 315 nm): không bị lớp ozon hấp thụ, có thể nhìn thấy đối với chim, côn trùng và cá.
- Tia tử ngoại UVB (315 – 280 nm): bị lớp ozon hấp thụ phần lớn.
- Tia tử ngoại UVC (280 – 100 nm): bị lớp ozon và khí quyển hấp thụ hoàn toàn.
Mức độ ảnh hưởng và mật độ tia UV phụ thuộc các yếu tố:
- Vị trí địa lý: cường độ của tia UV thường lớn ở những vùng nhiệt đới, đặc biệt là các khu vực gần xích đạo, các khu vực ở xa hơn vị trí xích đạo thì nguy cơ sẽ ít hơn.
- Độ cao so với mực nước biển: cường độ của UV thường tỉ lệ thuận với độ cao cao hơn mực nước biển.
- Thời điểm trong ngày: tia bức xạ UV thường tập trung cao vào buổi trưa, khi mặt trời ở vị trí cao và chiếu sáng trực tiếp, gần như vuông góc với mặt đất (mặt trời trên đỉnh đầu, đứng bóng), thường khoảng từ 10h sáng đến 14h chiều.
- Khung cảnh và môi trường: mức độ UV thường lớn ở những nơi có không gian rộng, đặc biệt ở những bề mặt có tính phản xạ cao như: bề mặt tuyết và bề mặt cát biển. Trên thực tế, mức độ của tia UV gần như tăng gấp đôi khi tia UV được phản xạ từ bề mặt của tuyết. Trong các khu vực thành phố thường ít tia UV hơn do tập trung các tòa nhà cao tầng và bóng râm, cây cối ở trong thành phố.
3. Tia UV bao nhiêu là có hại?
Các tia UV có mức năng lượng khác nhau sẽ có mức độ tác hại khác nhau đến sức khỏe và môi trường sống của con người:
- Tia UVA (380 – 315 nm): có thể xuyên qua mây mù, không khí, gây lão hóa da.
- Tia UVB (315 – 280 nm): vẫn có khả năng xuyên một phần qua ozon và khí quyển, gây say nắng, tổn thương và làm đen da.
- Tia UVC (280 – 100 nm): tia UV có năng lượng cao nhất, gây ung thư da nhưng đã có tầng ozon chặn lại.
Trong các báo động về phân độ tia cực tím từ các Trung tâm Khí tượng thủy văn thường sử dụng thuật ngữ: chỉ số tia cực tím hay còn gọi là chỉ số UV là phép đo tiêu chuẩn quốc tế về độ mạnh của bức xạ cực tím từ ánh sáng mặt trời. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA), chỉ số UV dao động từ 0 - 2 được xem là thấp, chỉ số UV từ 8 - 10 có thời gian gây bỏng là 25 phút, đối với chỉ số UV từ 11 trở lên được xem là cực kỳ cao, rất nguy hiểm, nguy cơ làm tổn thương da, mắt bị bỏng nếu tiếp xúc ánh nắng mặt trời trong khoảng 15 phút mà không được bảo vệ.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Việt Nam, nhiệt độ cao nhất ghi nhận Hà Nội vào ngày 18/5 vừa qua dao động trong khoảng 37 - 39 độ C, có nơi vượt hơn 39 độ. Trang World Weather Online của Anh Quốc dự báo Chỉ số tia cực tím tại Hà Nội vào ngày 19/5 sẽ đạt mức 11. Trong tháng vừa qua, tại các tỉnh phía Nam cũng trải qua đợt nắng nóng gay gắt với nền nhiệt trung bình dao động từ 35 - 38 độ C, chỉ số tia cực tím ở mức 12: cảnh báo nguy hiểm cực độ.
4 . Tia UV có tác hại gì?
Do UVC là vùng bức xạ có năng lượng cao nhất nên tia tử ngoại UVC có khả năng gây tổn hại nhiều nhất cho đôi mắt và làn da của con người. May mắn thay, tầng ozone của bầu khí quyển Trái Đất đã ngăn chặn gần như toàn bộ tia UVC này. Tuy nhiên, hiện nay do nhiều tác động tiêu cực, tầng ozon bảo vệ trái đất của chúng ta đang ngày càng yếu và mỏng đi, có nhiều lỗ thủng xuất hiện, có khả năng cho phép các bức xạ năng lượng cao như tia UVC này lọt xuống bề mặt trái đất, dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe trầm trọng.
Các bức xạ tử ngoại UVB có thể đi xuyên qua tầng ozone (mặc dù cũng đã được lọc bớt một phần), hiện nay UVB chiếm khoảng 3% trong số các tia UV do mặt trời tỏa ra và đi xuống đến bề mặt Trái Đất. Tia UVB kích thích quá trình chuyển hóa Melanin - sắc tố da làm cho da trở nên tối đi, rám nắng. Nếu da người tiếp xúc với UVB cường độ cao sẽ gây nên hiện tượng cháy nắng, làm tăng các nguy cơ ung thư da. Tia UVB cũng gây hiện tượng bạc màu da, xuất hiện các nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa sớm trước tuổi. Với mắt, giác mạc của chúng ta hấp thu hầu hết các bức xạ UVB nên đây không phải là nguyên nhân chính gây nên hiện tượng đục thủy tinh thể hay thoái hóa hoàng điểm, mà chủ yếu tia UVB gây nên các bệnh giác mạc như viêm giác mạc, hạt kết giác mạc, mộng.
Còn đối với tia UVA, đây là bức xạ cực tím có tỉ lệ nhiều nhất (chiếm tới 97%) lượng tia, do UVA dễ dàng xuyên qua tầng ozone bảo vệ trái đất. Tia UVA có thể xuyên qua giác mạc của mắt, đi vào thủy tinh thể hoặc võng mạc ở bên trong mắt. Tiếp xúc với bức xạ UVA quá lâu sẽ dẫn đến hiện tượng đục nhân mắt hay thoái hóa hoàng điểm.
Các tia UV nói chung cũng là nguyên nhân gây bỏng võng mạc do không sử dụng kính đen khi xem Nhật Thực, mặc dù chúng ta không hề cảm thấy chói mắt. Việc tiếp xúc quá lâu với tia UV sẽ gây tổn thương và có nguy cơ dẫn đến ung thư da, đặc biệt đối với chủng tộc người da trắng, ít hắc tố Melanin trong da khiến tia UV đâm xuyên và gây hại mạnh hơn. Tia UV gây đứt gãy các liên kết giữa các phân tử, góp phần làm đột biến cấu trúc DNA và RNA trong nhân tế bào, đây là nguyên nhân chính gây ung thư các dạng như u hắc tố, ung thư liên bào đáy, u tế bào vảy, u tuyến bã... Tuyến giáp và tuyến vú cũng chịu tác động nhiều của tia UV, tuy nhiên vẫn đang được nghiên cứu về mức độ nhiễm tia UV của các tuyến này.
Tiếp xúc với bức xạ cực tím còn gây ra ức chế hệ thống miễn dịch. Các nhà khoa học tin rằng việc cháy nắng có thể làm thay đổi sự phân bố và chức năng của các tế bào bạch cầu suốt đến 24 giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu tình trạng này lặp đi lặp lại lâu dài sẽ gây hại nhiều hơn đến hệ thống miễn dịch của con người.
4. Lợi ích của tia UV
Ở một khía cạnh khác, tia UV cũng mang lại những lợi ích rất lớn: giúp cơ thể tổng hợp vitamin D. Vitamin D giúp cơ thể sử dụng canxi và phospho, làm cho xương và răng chắc khỏe. Mặc dù vitamin D có thể được bổ sung từ thực phẩm như: dầu cá, trứng, sữa, nước trái cây và ngũ cốc... nhưng da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời là cách tốt nhất để tạo ra vitamin D. Vitamin D có 2 dạng: vitamin D2 và vitamin D3. D2 có trong thực vật và D3 được tổng hợp khi da tiếp xúc với tia cực tím (UV).
Tia UV cũng được ứng dụng trong việc điều trị bệnh về da như: bệnh vảy nến - bệnh do các tế bào da phát triển quá nhanh gây ngứa, xuất hiện vảy. Việc tiếp xúc với tia cực tím sẽ làm chậm sự tăng trưởng của các tế bào da, làm giảm triệu chứng bệnh.
Khử trùng và tiệt trùng: UV có ứng dụng rất tích cực trong lĩnh vực khử trùng và tiệt trùng, tia tử ngoại có thể giết chết các vi sinh vật như virus và vi khuẩn, rất hữu ích khi chúng ta phơi tã vải, đồ lót và khăn mặt ngoài trời. Tia UV xuyên qua màng tế bào của vi khuẩn và virus, phá hủy DNA, ngăn chặn khả năng tái sinh và nhân lên của chúng, nhiều nơi sử dụng đèn diệt khuẩn UV để khử trùng.
Trên đây là những thông tin quan trọng về tia UV, để hiểu rõ hơn về tác hại cũng như cách bảo vệ da trước những annhr hưởng của tia UV. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin trên website https://www.anhkhuepharma.com/.
HOTLINE 0868 100 768 - Tư vấn Rilastil thương hiệu dược mỹ phẩm cao cấp đến từ Italia: Các dòng sản phẩm Rilastil Serum trị nám D-clar, Acnestil Cho da mụn, Hydrotenseur Nâng cơ giảm nhăn tức thì, Stretch Marks Chống rạn da ở phụ nữ mang thai và trị rạn da tuổi dậy thì.
Thông tin bài viết được thu thập và tổng hợp từ Nguồn Internet chỉ mang tính chất tham khảo.