Rạn da ở tuổi dậy thì và cách phòng ngừa
Rạn da ở tuổi dậy thì thường khởi phát do di truyền, tăng cân đột ngột hoặc do nồng độ hormone tăng cao. Để cải thiện các vết rạn trên bề mặt, bạn có thể tận dụng nguyên liệu thiên nhiên, sử dụng kem/ thuốc đặc hiệu hoặc áp dụng các liệu pháp xâm lấn.

Rạn da ở tuổi dậy thì – Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết
Rạn da là tình trạng da xuất hiện các vết rạn có màu đỏ, hồng, tím hoặc trắng bạc. Các vết rạn này là hệ quả do da bị kéo giãn quá mức khiến collagen đứt gãy và gây tổn thương cấu trúc.
Thông thường, rạn da thường gặp ở phụ nữ mang thai hoặc người tăng cân đột ngột trong thời gian ngắn. Tuy nhiên tình trạng rạn da cũng có thể xảy ra trong độ tuổi dậy thì.
1. Nguyên nhân
Rạn da xảy ra trong độ tuổi dậy thì có thể do những nguyên nhân sau đây:

- Nồng độ hormone tăng lên nhanh chóng: Dậy thì là giai đoạn cơ thể sản xuất ra lượng hormone cao nhằm phát triển tuyến lông, vú và hoàn thiện cấu trúc của cơ quan sinh dục. Tuy nhiên nồng độ hormone cao có thể khiến da mất đàn hồi và xuất hiện vết rạn.
- Di truyền: Nếu có người thân cận huyết bị chứng rạn da khi dậy thì, bạn sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng này. Các chuyên gia cho biết, di truyền bao gồm nhiều các yếu tố như cấu trúc da, độ săn chắc của da, nồng độ nội tiết,…
- Tăng cân và phát triển chiều cao: Ngoài việc hoàn thiện các cơ quan, dậy thì cũng là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh chóng về chiều cao và cân nặng. Tình trạng này khiến làn da bị kéo giãn quá mức trong một thời gian ngắn và tạo điều kiện cho vết rạn hình thành.
- Cấu trúc da mỏng và khô: Các chuyên gia da liễu cho biết, người có cấu trúc da mỏng và khô thường dễ hình thành vết rạn và mức độ tổn thương da thường nghiêm trọng hơn người thuộc nhóm da dầu.
- Sử dụng thuốc điều trị: Trường hợp sử dụng thuốc hoặc kem chứa corticoid có thể làm tăng nguy cơ bị rạn da. Hoạt chất corticoid có thể làm giảm collagen khiến da dễ bị teo và hình thành vết rạn.
2. Dấu hiệu nhận biết
Biểu hiện của rạn da ở mỗi trường hợp thường không giống nhau. Điều này phụ thuộc vào thời gian xuất hiện, mức độ tổn thương và khả năng đàn hồi của từng cấu trúc da.

Tuy nhiên phần lớn các vết rạn da do dậy thì đều có những biểu hiện sau:
- Các vết rạn thường xuất hiện ở những bộ phận phát triển nhanh chóng như mông, bắp đùi, bắp tay và ngực.
- Ban đầu vết rạn thường có kích thước nhỏ, màu sắc từ hồng đến đỏ và đỏ sẫm.
- Sau một thời gian vết rạn có xu hướng chuyển thành màu trắng bạc.
- Ở những trường hợp bị rạn da nghiêm trọng, vùng da bị rạn còn có thể xuất hiện các nếp nhăn.
Khác với những dạng tổn thương da thông thường, rạn da thường không gây viêm, ngứa ngáy hay khó chịu. Chính vì vậy nếu ít chú ý, bạn có thể không kịp thời phát hiện sự xuất hiện của các vết rạn.
Ảnh hưởng của tình trạng rạn da ở tuổi dậy thì
Rạn da hầu như không ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của cơ thể. Ngoài ra vết rạn cũng không gây ngứa, khó chịu hay đau rát.
Tuy nhiên sự xuất hiện của những vết rạn trên bề mặt da có thể làm mất thẩm mỹ và ảnh hưởng không nhỏ đến ngoại hình. Tình trạng rạn da còn gây khó khăn khi lựa chọn trang phục – đặc biệt là các vết rạn xuất hiện ở những vùng da hở như bắp tay, bắp chân, đùi,…
Cách chữa rạn da tuổi dậy thì với nguyên liệu tự nhiên
Nếu vết rạn trên da mới hình thành và có kích thước nhỏ, bạn có thể tận dụng nguyên liệu tự nhiên để cải thiện. Các chuyên gia da liễu cho biết, làn da trong độ tuổi dậy thì thường khỏe mạnh và dễ phục hồi. Vì vậy nếu áp dụng đều đặn, bạn có thể làm mờ các vết rạn, dưỡng trắng và duy trì độ ẩm cho da.

Một số biện pháp chữa rạn da tuổi dậy thì từ nguyên liệu thiên nhiên:
- Mật ong và sữa chua: Công thức trị rạn da từ mật ong và sữa chua có ưu điểm dễ thực hiện và độ an toàn cao. Mật ong có khả năng dưỡng ẩm và chống oxy hóa. Trong khi đó, sữa chua chứa acid lactic – có tác dụng tẩy tế bào chết, nuôi dưỡng làn da trắng sáng và làm mờ các vết rạn trên bề mặt. Áp dụng công thức này 4 – 5 lần/ tuần trong ít nhất 3 tháng để nhìn thấy tác dụng.
- Nha đam và dầu oliu: Dầu oliu và nha đam đều có khả năng dưỡng ẩm cao, giúp giảm tình trạng da khô ráp và nhăn nheo. Ngoài ra hai nguyên liệu này còn chứa nhiều khoáng chất, acid béo và hợp chất thực vật, có tác dụng phục hồi tế bào tổn thương, làm mờ thâm sạm và vết rạn.
- Nước cốt chanh và viên nang vitamin E: Hàm lượng acid trong chanh có thể hỗ trợ loại bỏ tế bào da chết và làm mờ các vết rạn mới hình thành. Trong khi đó vitamin E có tác dụng dưỡng ẩm, chống oxy hóa và hạn chế quá trình hình thành các vết rạn mới.
Ngoài những công thức trị rạn da trên, bạn có thể tận dụng một số nguyên liệu thiên nhiên khác như dầu dừa, nghệ, sữa tươi, giấm táo, dầu argan, hương thảo, trà xanh,… để nuôi dưỡng và làm mờ các khiếm khuyết trên da.
Trị rạn da ở tuổi dậy thì bằng các biện pháp đặc hiệu
Với những trường hợp rạn da nghiêm trọng và xảy ra trên diện rộng, bạn có thể can thiệp một số biện pháp đặc hiệu sau:
1. Thuốc/ kem trị rạn da ở tuổi dậy thì
Thuốc và kem trị rạn da ở tuổi dậy thì thường chứa các hoạt chất giúp sản sinh collagen, phục hồi tế bào tổn thương và làm mờ các sắc tố đen sạm.

Một số loại thuốc và kem trị rạn da được dùng phổ biến, bao gồm:
- Viên uống vitamin E: Ở những người có làn da khô và mỏng, bác sĩ có thể đề nghị dùng viên uống vitamin E để cải thiện độ săn chắc và duy trì độ ẩm cho làn da. Sử dụng viên vitamin E đều đặn có thể giảm nguy cơ hình thành các vết rạn mới.
- Viên uống vitamin C: Vitamin C (acid ascorbic) không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn thúc đẩy cơ thể sản sinh collagen. Bên cạnh đó, vitamin C còn đẩy lùi các tế bào melanin gây sạm màu. Viên uống vitamin C thường được sử dụng phối hợp với vitamin E để tăng tác dụng điều trị vết rạn và nuôi dưỡng làn da trắng sáng.
- Kem bôi chứa vitamin A (Retin-A): Vitamin A (Tretinoin) có tác dụng loại bỏ tế bào chết và thúc đẩy sự tăng trưởng của da. Tuy nhiên kem bôi chứa vitamin A dễ bắt nắng nên cần che chắn da khi sử dụng.
- Kem dưỡng ẩm thông thường: Các loại thuốc kem bôi thông thường có tác dụng dưỡng ẩm và cải thiện độ đàn hồi cho da. Mặc dù không tác động trực tiếp đến vết rạn nhưng việc sử dụng kem dưỡng ẩm có thể giảm mức độ tổn thương da.
Hiện nay trên thị trường có nhiều dòng sản phẩm trị rạn da ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên để lựa chọn được loại thuốc và kem bôi phù hợp, bạn nên tìm gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn cụ thể.
2. Liệu pháp làm mờ rạn da
Việc sử dụng thuốc và kem bôi trị rạn da thường có kết quả chậm và tác dụng còn phụ thuộc nhiều vào khả năng đáp ứng. Trong trường hợp vết rạn da quá nghiêm trọng và có xu hướng tiến triển nhanh, bạn có thể áp dụng một trong những liệu pháp sau:
- Laser trị rạn da: Liệu pháp này sử dụng tia laser nhằm thúc đẩy sự hình thành các sợi elastin và collagen trong cấu trúc. Từ đó cải thiện độ săn chắc và làm mờ các vết rạn. Tuy nhiên liệu pháp laser chỉ phù hợp với những trường hợp rạn da mới xuất hiện.
- Liệu pháp Microdermabrasion: Liệu pháp này sử dụng thiết bị chuyên dụng nhằm để mài mòn lớp biểu bì. Áp dụng liệu pháp Microdermabrasion giúp loại bỏ vết sạm đen và vết rạn trên bề mặt.
Trên thực tế, chi phí thực hiện các liệu pháp trị rạn da ở tuổi dậy thì thường khá cao. Vì vậy bạn nên cân nhắc trước khi quyết định thực hiện. Bên cạnh đó, để tăng tác dụng điều trị bạn có thể phối hợp với việc sử dụng thuốc và kem bôi.
Phòng ngừa rạn da ở tuổi dậy thì bằng cách nào?
So với rạn da khi mang thai, rạn da ở độ tuổi dậy thì có mức độ nhẹ hơn và có thể hạn chế nếu chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
1. Kiểm soát cân nặng bằng chế độ ăn
Cân nặng tăng lên nhanh chóng là nguyên nhân chủ yếu làm vết rạn xuất hiện trên bề mặt da. Vì vậy trong thời gian dậy thì, bạn nên kiểm soát cân nặng bằng cách xây dựng chế độ ăn hợp lý.

Cách xây dựng chế độ dinh dưỡng để hạn chế rạn da hình thành:
- Nên bổ sung đủ tinh bột, đạm, vitamin, chất xơ, khoáng chất,… để cơ thể có đủ dưỡng chất để phát triển. Tuy nhiên cần cân chỉnh các thành phần dinh dưỡng để tránh tình trạng tăng cân nhanh chóng.
- Hạn chế các thực phẩm gây tăng cân nhanh như đồ ăn nhanh, thức ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, đồ ăn đóng hộp, đồ ăn vặt,…
- Kiêng nước ngọt có gas và cà phê. Thay vào đó nên bổ sung nước ép từ rau củ, trái cây và sử dụng sữa hạt để hạn chế tăng cân.
- Chế biến thực phẩm ở dạng ít dầu mỡ và gia vị. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, thực phẩm ở dạng hấp và luộc thường dễ hấp thu, giàu dinh dưỡng và ít calo hơn.
Bên cạnh đó, nên tránh ăn khuya hoặc ăn quá no. Thay vào đó nên ăn trước 20 giờ và chia nhỏ bữa ăn để tránh tình trạng tăng cân không kiểm soát.
2. Luyện tập thể thao
Luyện tập thể thao hỗ trợ tăng chiều cao và tiêu thụ năng lượng từ thực phẩm. Điều này sẽ giúp bạn hạn chế được tình trạng tăng cân và hình thành các mô mỡ.

Bên cạnh đó, hoạt động thể chất còn giúp cơ chắc khỏe và cấu trúc da đàn hồi hơn. Từ đó giảm thiểu nguy cơ hình thành các vết rạn và vết nhăn trên da.
3. Dưỡng ẩm cho da
Như đã đề cập, vết rạn thường có xu hướng hình thành ở những người có làn da khô. Hơn nữa tình trạng da khô ráp còn dễ tạo điều kiện cho da chảy xệ và hình thành nếp nhăn.
Do đó khi bước vào độ tuổi dậy thì, bạn nên sử dụng các sản phẩm dưỡng thể dịu nhẹ để duy trì độ ẩm cho da. Da có đủ độ ẩm sẽ hạn chế được nguy cơ tổn thương và hình thành vết rạn.
Rạn da ở tuổi dậy thì là một trong những vấn đề da liễu thường gặp. Mỗi vết rạn cần rất nhiều năm để mờ và biến mất hoàn toàn. Do đó bạn nên chủ động trong việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tình trạng này.