Trang chủTin tức Cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì

Cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì


Mụn trứng cá thường xuất hiện nhiều ở tuổi dậy thì. Nếu không điều trị đúng cách sẽ ảnh hưởng tới tâm lý thậm chí là stress.

Cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì

Ảnh minh họa: INT

Điều này làm giảm hiệu quả học tập, hoạt động của trẻ.

Nguyên nhân gây mụn

Bác sĩ da liễu Nguyễn Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm thẩm mỹ Bích Nguyệt (Hà Nội) cho biết, mụn trứng cá được gây ra khi các lỗ nhỏ trên da, được gọi là nang lông bị tắc nghẽn với tuyến dầu chứa bã nhờn. Đây là các tuyến nhỏ được tìm thấy gần bề mặt da, gắn vào nang lông và có lỗ nhỏ cho một sợi tóc hay một sợi lông riêng lẻ mọc ra.

Do đó, mụn trứng cá thường xuất hiện trên mặt, trán, ngực, lưng và vai. Bởi những vùng da này có nhiều tuyến dầu nhất, tiết ra bã nhờn. Mụn thậm chí còn xuất hiện trên da đầu do trong các nang tóc cũng có các tuyến dầu.

Nếu thành nang phình ra, chứa mụn thì sẽ tạo ra mụn đầu trắng. Ngược lại, nếu nang lông hở sẽ gây ra mụn đầu đen. Mụn đầu đen có thể trông giống như bụi bẩn bị mắc kẹt trong lỗ chân lông nhưng thật ra lỗ chân lông bị tắc nghẽn do vi khuẩn và dầu, chuyển sang màu nâu khi tiếp xúc với không khí.

Mụn trứng cá sẽ chuyển sang mụn nhọt là những đốm đỏ nổi lên với một khối trung tâm màu trắng hình thành khi các nang lông bị tắc nghẽn do viêm hoặc nhiễm vi khuẩn. Sự tắc nghẽn và viêm phát triển sâu vào bên trong nang lông tạo ra các khối u nang dưới bề mặt da. Tình trạng viêm nhiễm tại nang lông nếu không được kiểm soát tốt và lan rộng sẽ hình thành các khối u cục trứng cá.

Theo bác sĩ Huyền, mụn trứng cá có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tuổi dậy thì từ 8 - 25 tuổi là thời điểm mà hầu hết nam nữ đều có mụn trứng cá ở nhiều mức độ. Do đây là giai đoạn mà cơ thể có nhiều thay đổi về hormone khiến tuyến dầu nhờn ở da hoạt động mạnh hơn. Đồng thời, kết hợp với vi khuẩn gây mụn sinh ra khi lỗ chân lông bị bít tắc làm tăng nguy cơ nổi mụn trứng cá ở tuổi dậy thì.

Nguyên nhân khiến tuổi dậy thì thường bị mụn trứng cá là do giai đoạn này bị thay đổi về nội tiết tố. Hormone androgen sẽ gia tăng gây kích thích hoạt động của các tuyến dầu nhờn trên da. Điều này khiến da sản sinh quá mức bã nhờn, thừa dầu. Từ đó, lâu ngày dẫn tới tình trạng bít tắc lỗ chân lông cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây mụn phát triển.

Ngoài ra, bít tắc lỗ chân lông gây hình thành nhân mụn. Khi lỗ chân lông bị hở, nhân mụn bị oxy hóa sẽ thành mụn đầu đen. Trong khi đó nếu có vi khuẩn xâm nhập thì sẽ xuất hiện mụn mủ sưng đỏ, gây đau đớn với nguy cơ viêm nhiễm cao.

Với khí hậu nóng ẩm, nếu kết hợp với hoạt động mạnh rất dễ khiến trẻ đổ nhiều mồ hôi. Không chú ý trong việc giữ vệ sinh da mặt hoặc chọn các sản phẩm làm sạch không phù hợp hoặc chăm sóc da sai cách cũng là nguyên nhân gây mụn trứng cá dậy thì.

Cách điều trị mụn trứng cá tuổi dậy thì

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh hưởng đến tâm lý

Theo bác sỹ Huyền, ngoài yếu tố chính là thay đổi hormone, các tác nhân khác như tâm trạng thường xuyên căng thẳng, thói quen dùng mỹ phẩm, hay thuốc nhuộm tóc khi tiếp xúc với da cũng có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn chân lông gây mụn. Thêm vào đó, nếu chế độ sinh hoạt kém lành mạnh như uống ít nước, hay thức khuya, ăn nhiều đồ dầu mỡ cũng khiến tình trạng mụn trở nên phức tạp hơn.

Theo bác sĩ Huyền, với những mức độ khác nhau, mụn trứng cá ở tuổi dậy thì cũng có nhiều triệu chứng khác nhau. Tuy nhiên, có thể nhận biết được thông qua một số vấn đề xuất hiện ở các vùng da tập trung tuyến dầu nhờn như bít tắc lỗ chân lông, xuất hiện mụn nhọt, mụn đầu đen, mụn đầu trắng, mụn mủ, u nang với số lượng lớn và kéo dài hơn.

Mụn trứng cá ở tuổi dậy thì không chỉ là mà còn có thể ảnh hưởng tâm lý ở trẻ nếu không có sự theo dõi và điều trị kịp thời.

Trong trường hợp số lượng mụn nhiều, nhất là mụn bọc, mụn nang cùng với tình trạng da tổn thương nghiêm trọng như sưng đỏ, có dịch mủ, đau nhức nhiều thì cần đến bác sĩ càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không nên áp dụng các phương pháp trị mụn truyền miệng sẽ càng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Bác sĩ Huyền đưa ra một số lời khuyên giúp các bạn tuổi teen kiểm soát hiệu quả tình trạng mụn trứng cá. Đó là không nên rửa mặt quá nhiều và không nên chà xát da mạnh khi rửa mặt.

Nếu mụn trứng cá không phải do bụi bẩn thì rửa mặt với dịu nhẹ hai lần mỗi ngày là đủ. Rửa mặt quá nhiều có thể khiến da bị kích thích và khô, kích thích tuyến tiết sản xuất ra dầu nhiều hơn, làm tăng nguy cơ nổi mụn.

Sử dụng mỹ phẩm không chứa dầu “oil-free” hoặc những loại mỹ phẩm có từ “noncomedogenic” trên nhãn. Đây là loại mỹ phẩm không chứa các thành phần gây bít tắc lỗ chân lông, giúp ngăn ngừa nguy cơ sinh mụn.

Hạn chế đưa tay sờ mặt, vi khuẩn từ tay có thể lan sang mặt, tăng nguy cơ mụn trứng cá ở tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, không nặn mụn bởi việc này sẽ dẫn đến viêm nhiễm nghiêm trọng và gây sẹo vĩnh viễn.

Điều cơ bản mỗi người có thể thực hiện được để có một làn da khỏe mạnh, sạch mụn là vệ sinh xuyên và đúng cách.

Xây dựng một chế độ ăn uống giàu rau xanh, trái cây, uống đủ nước. Bên cạnh đó, cần có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo âu và hạn chế sử dụng các chất kích thích như hút thuốc lá.

“Nếu tình trạng mụn trứng cá nghiêm trọng và nặng nề theo thời gian, cần phải khám chuyên khoa da liễu để sớm được chỉ định các loại thuốc đặc trị, đảm bảo hạn chế được sự xuất hiện của mụn và các di chứng để lại trên da. Ngoài các thuốc uống và bôi trên da, người bệnh có thể tham khảo các liệu pháp ánh sáng, hóa học tại chỗ nhằm nâng cao thêm tính thẩm mỹ về sau”, bác sĩ Huyền nhấn mạnh.

Tùng Bách

Cập nhật lần cuối ngày 23/12/2022

SẢN PHẨM RILASTIL BÁN CHẠY

×