Các bước chăm sóc da khô chị em nên biết
Da khô có biểu hiện thô ráp, thậm chí bong tróc do không có đủ độ ẩm. Đặc biệt trong những ngày thời tiết hanh khô, da có thể nứt nẻ và chảy máu nếu không được chăm sóc đúng cách. Dưới đây là các bước chăm sóc da để giúp giảm các biểu hiện khô da.
1. Biểu hiện của da khô
Da khô là tình trạng da thô ráp, thậm chí bong tróc do không có đủ độ ẩm. Những người có làn da khô thường hay cảm giác ngứa, có lớp vảy ngoài da bong tróc, đặc biệt là khi thời tiết hanh khô.
Trong nhiều trường hợp, da khô nghiêm trọng có thể bị nứt và chảy máu. Đây là tình trạng da phổ biến ở mọi lứa tuổi.
Da khô là tình trạng da thô ráp, thậm chí bong tróc do không có đủ độ ẩm.
2. Nguyên nhân gây khô da
Khô da có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố cố định (như tuổi tác, di truyền…) cũng như một số thói quen hàng ngày:
Tuổi tác: Theo thời gian, nhất là sau tuổi 40, tuyến bã nhờn dần yếu đi và sản sinh dầu ít hơn, điều này khiến độ ẩm tự nhiên của da bị thiếu hụt. Cùng với đó, ở độ tuổi này, chất béo và collagen cũng bị suy giảm khiến da mất đi tính đàn hồi và mỏng dần đi.
Di truyền: Bạn có nhiều khả năng sở hữu làn da khô nếu có người thân trong gia đình có da khô hoặc các bệnh dị ứng khác.
Thời tiết: Da dễ bị khô hơn trong thời tiết hanh, độ ẩm thấp của mùa thu đông. Mùa hè có độ ẩm không khí cao hơn giúp da ít khô hơn.
Uống ít nước: Nước đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp độ ẩm cho da. Do đó uống ít nước cũng là nguyên nhân làm da bị khô và nứt nẻ.
Thường xuyên tắm nước quá nóng: Thói quen này cũng khiến da khô hơn.
Thói quen chăm sóc da: Lơ là việc dưỡng ẩm hoặc sử dụng một số sản phẩm chăm sóc da chứa cồn, Alpha-hydroxy acid (AHA), retinol… có thể khiến da bị khô.
3. Các bước chăm sóc da khô
3.1 Làm sạch da
Sử dụng các loại sữa rửa mặt, sản phẩm tẩy trang có tính dịu nhẹ để đủ loại bỏ các bụi bẩn và bã nhờn trên da. Đối với da khô, bạn không nên rửa mặt nhiều lần trong ngày vì việc này có thể khiến da trở nên khô hơn.
Sau khi đã làm sạch da, nên sử dụng toner để cân bằng độ pH cho làn da. Lưu ý nên lựa chọn loại toner không chứa cồn phù hợp với da khô.
3.2 Thoa serum và kem dưỡng ẩm cho da khô
Với làn da khô, các loại serum dưỡng da có chứa hyaluronic Acid sẽ phù hợp hơn. Hoạt chất này có hoạt tính nhẹ nhàng, giúp hấp thụ dưỡng chất và khóa ẩm hiệu quả.
Bên cạnh đó, các loại kem dưỡng ẩm chứa các thành phần dưỡng ẩm như axit hyaluronic, glycerin, lactic acid, mineral oil… sẽ giúp bổ sung ẩm cho làn da và ngăn chặn các tình trạng lão hóa da như nếp nhăn, đốm da.
Các thành phần dưỡng ẩm sẽ giúp bổ sung ẩm cho da và ngăn chặn các tình trạng lão hóa.
3.3 Kem chống nắng
Thoa kem chống nắng hàng ngày là bước quan trọng trong chu trình dưỡng da. Đối với da khô, nên sử dụng kem chống nắng dạng kem có chỉ số SPF trên 30 để đảm bảo da được bảo vệ khỏi những tác động tiêu cực của ánh nắng mặt trời.
4. Một số mẹo giúp cải thiện da khô
Ngoài các bước dưỡng da cơ bản, nên lưu ý một số vấn đề sau đây để giúp da giảm khô:
- Sử dụng ngay kem dưỡng ẩm ngay sau khi rửa mặt.
- Tránh rửa mặt bằng nước nóng. Thay vào đó, chỉ nên tắm nước ấm trong 10 phút. Sau khi tắm, nên thoa kem dưỡng ẩm để cấp ẩm kịp thời cho da.
- Hạn chế tẩy da chết nhiều lần, chỉ nên tẩy da chết 1 lần mỗi tuần.
- Uống đủ nước: Nên uống nước ngay sau khi thức dậy và duy trì uống nhiều nước trong cả ngày để cơ thể được cấp ẩm và hạn chế da bị khô.
- Tránh các sản phẩm có các thành phần khiến da khô hơn như vitamin A, retinoids và retinol,…